SUỐI NGUỒN TÂM LINH

 Lời tựa



     Thật không biết làm thế nào để có thể giới thiệu với bạn một bậc minh triết khôn ngoan nhất mà tôi từng gặp. Trong sự hiện diện của ngài, người ta cảm nhận một sự gần gũi và sinh động, bình dị và chân thật, trang nghiêm và thân mật; sự khôi hài và kỷ luật nghiêm ngặt, lòng nhân từ vô biên và phong thái tự tại thanh thoát.

     Phần lớn sự giảng dạy của Ajahn Chah là tùy duyên và tự phát qua thí dụ, ẩn dụ, hay những cuộc đối thoại sống động. Ngài thẳng thắn và thành thật. " Hãy quán xét nguyên nhân của sự khổ ở cảnh giới loài người này", ngài hướng chúng ta tới chân lý. Là một vị thầy khéo léo và tinh thông, với tính khôi hài và với sự sáng suốt, ngài đã sử dụng hàng trăm phương pháp khác nhau để dạy dỗ từng người, tùy vào tình huống trước mắt. Thật khó có thể diễn đạt hết sự dạy dỗ sống động của ngài bằng lời lẽ thế gian. May mắn thay, di sản của ngài cũng bao gồm gần hai trăm tu viện, nhiều đệ tử tuyệt vời còn sống và đang truyền pháp, hàng trăm cuốn băng thâu âm bằng tiếng Thái Lan và hàng triệu tín đồ ngưỡng mộ trí tuệ của ngài. 

     Trong những trang sách sau, bạn sẽ tìm thấy một khía cạnh khác của Ajahn Chah - một con người kỷ luật và khá nghiêm ngặt, nhất là trong những thời pháp dài cho chư tăng ni và khách thập phương. Ngài thỉnh cầu tất cả mọi người suy ngẫm về cốt tủy của bài giảng và ghi nhớ nó nằm lòng. Trong cuốn sách này, ngài nhắc nhở chúng ta rằng, bất kể chúng ta là ai, đời sống đều tạm bợ: "Nếu sự chết nằm bên trong bạn, thì bạn đi đâu để lẩn tránh nó đây? Dầu bạn có sợ hay không, bạn cũng phải chết. Không có nơi nào có thể trốn tráng sự chết cả".
     Vì thế, ngài chỉ cho chúng ta con đường để vượt lên trên sự sinh tử, dẫn đến sự tự do chân thật. "Điều quan trọng là: bạn phải quán chiếu cho đến khi bạn đạt tới một điểm mà bạn xả bỏ, nơi không có gì còn lại, vượt lên trên sự tốt xấu, đến đi và sinh diệt. Hãy điều phục tâm, ở lại nơi cảnh giới không còn nhân duyên sinh khởi, ngài thúc dục. "Sự giải thoát là điều có thể đạt được".
     Những ai muốn làm theo lời dạy dỗ của người thầy đáng kính này phải sẵn sàng nhìn vào tâm của họ, thả lỏng những ràng buộc, thư dãn những bám víu, sự sợ hãi, và quan niệm sai lầm về tự ngã. "Nếu bạn thật sự hiểu, thì bất kể hoàn cảnh hiện tại của bạn là như thế nào, bạn đều có thể tu hành trong từng giây phút. Hãy thử xem". Ajahn Chah đề nghị. "Nó sẽ hoán chuyển đời sống của bạn!"


Lời giới thiệu

     Đêm xuống nhanh. Khắp rừng văng vẳng tiếng dế cùng với tiếng rên rỉ sởn ốc của loài ve nhiệt đới. Dăm ba ngôi sao lờ mờ rọi xuyên qua ngọn cây. Giữa rừng, một căn nhà chòi được thắp sáng với hai cây đèn dầu, và ở nơi đó vài chục người đang ngồi quanh một nhà sư có vóc dáng nhỏ nhắn, chắc nịch, ngồi xếp bằng trên một chiếc ghế mây.

     Đó là một đám đông đủ hạng người: gần bên Ajahn Chah (hay Luang Por, Đức Cha, lối xưng hô trìu mến của các đệ tử đối với ngài) là một nhóm tỳ kheo và sa di mà đa số là người Thái hay người Lào với vài người da trắng bao gồm một người Canada, hai người Mỹ, một người Úc, và một người Anh. Ngồi ngay trước mặt Ajahn Chah là một cặp vợ chồng độ trung tuần, ăn mặc tươm tất và sang trọng - người chồng là nghị sĩ của một tỉnh lị xa xôi. Nhân cơ hội đang công tác trong vùng này, họ đến để viếng thăm Ajahn và cúng dàng tu viện một ít tài vật.

     Đàng sau họ và ở hai bên là một số dân cư địa phương. Quần áo của họ sờn hẳn và nước da sẫm đen, nhăn nheo - giống như mặt đất nghèo nàn nơi đó. Trong số họ, có vài người đã từng là bạn thuở ấu thời của Luang Por - cùng bắt cóc và leo cây; có những người từng được ngài giúp đỡ, và đã từng giúp đỡ ngài trước khi ngài là một tỳ kheo. Gần phía cuối là một nữ giáo sư từ Freiburg đến Thái Lan với một đồng đạo để nghiên cứu Phật pháp, và bên cạnh bà là một ni cô người Mỹ từ nhóm nữ tu của tu viện có trách nhiệm hướng dẫn bà và phiên dịch.

     Kế đó là ba, bốn ni sư từ nhóm nữ tu, đến để thỉnh ý của Luang Por về một vấn đề liên quan đến cộng đồng phụ nữ và để thỉnh ngài ghé qua khu vực rừng của họ để thuyết giảng - lần cuối cùng ngài viếng thăm họ là cách đây bảy, tám ngày. Họ ngồi ở đó đã mấy tiếng đồng hồ rồi, nên họ lạy chào ngài và rời khỏi đó, cùng với những vị khách khác từ nhóm nữ tu - họ cần trở về trước khi trời tối và họ đã trễ rồi.

     Phía cuối ở một bên phòng, nơi ánh sáng lờ mờ, là một người đàn ông độ ba mươi tuổi, vẻ mặt lạnh lùng. Gã ngồi hơi chếch qua một bên, như thể sự có mặt của gã nơi đó không thoải mái cho lắm. Bình thường,  gã rất ghét bất cứ thứ gì dính dácg đến tôn giáo, nhưng gã phải miễn cưỡng tôn trọng Luang Por, có lẽ vì Luang Por nổi tiếng là một người cứng cỏi và có khả năng nhẫn nại phi thường. Trong số những người tu hành, có lẽ chỉ có ngài mới là thứ thiệt - "nhưng ngài có lẽ là người duy nhất đáng để cúi đầu đảnh lễ trong khắp cái tỉnh thành này".

     Gã tức giận và căm hận lắm. Cách đây một tuần, đứa em trai yêu quý của gã - một trong những thành viên của một đảng cướp trong vùng - đã mắc bệnh sốt rét não và chết trong vòng vài ngày. Gã đau lòng vô cùng, đến độ không còn thiết đến điều gì nữa. "Nếu hắn bị người ta đâm chết, ít nhất tôi còn có thể trả thù - nhưng tôi phải làm gì bây giờ: đi kiếm con muỗi đã cắn nó để giết sao?" "Tại sao không đến gặp Luang Por Chah?" Một người bạn đề nghị như thế. Và đó là lý do gã có mặt ở đây hôm nay.

     Luang Por mỉm cười, nâng cao ly nước để làm rõ ý của ngài. Ngài nhận ra gã thanh niên trong bóng tối đó. Không bao lâu, bằng một cách nào đó, ngài đã dụ được gã nhích gần lên phía trước, như thể ngài đang kéo lưới một con cá tinh khôn và ương ngạnh. Điều xảy ra kế tiếp là, gã thanh niên ngoan cố gục đầu vào tay của Luang Por và khóc thảm thiết như một em bé; sau đó gã cười. Phải, gã cười chính sự kiêu mạn và uất hận của mình. Gã nhận ra rằng gã không phải là người đầu tiên và duy nhất đã tường mất đi người yêu – những giọt lệ tức giận và đau khổ trở thành những giọt nước mắt khuây khoả và hiểu biết.

     Tất cả điều này xảy ra giữa hai mươi người hoàn toàn lạ mặt nơi đó, thế nhưng bầu không khí vẵn bình thản và đầy tin tưởng. Mặc dù họ đến từ đủ mọi tầng lớp trong xã hội, từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng có lẽ mọi ngươì đều cảm thấy rằng họ có cùng một cảnh ngộ „sing, lão, bệnh, tử”, và vì thế họ giống nhau như anh em cùng một nhà.

     Cảng tượng này đã diễn ra rất nhiều, rất nhiều lần trong suốt thời gian ba mươi năm giảng dạy của Ajahn Chah, và thường thường vào những lúc như thế, có người đã biết trước và mang theo một cái máy thâu âm và nhờ thế họ đã ghi lại được phần nào những buổi thuyết pháp. Đó là nhữ gì được viết xuống trong cuốn sách này.

     Cùng với những bài giảng dài như được viết lại nơi đây, người đọc cũng nên biết rằng, thường thì sự dạy dỗ của  Ajahn Chah rất tự nhiên. Khi thuyết giảng, ngài giống như một nhạc trưởng đang điều khiển một dàn nhạc và cùng lúc tạo ra những âm thanh hoàn toàn hài hòa với thiên nhiên và tâm trạng của những người chung quanh ngài, phối hợp với lời nói, cảm xúc và những nghi vấn trong lòng họ, và rồi để cho câu trả lời tuôn chảy một cách tự nhiên.
   
     Ngài có thể đang chỉ dẫn cho một nhóm người nào đó cách thức để lột vỏ một trái xoài, và rồi quay sang mô tả bản chất rốt ráo của thực tại – với cùng một phong thái quen thuộc, nhẹ nhàng. Một phút này, ngài lạnh lùng và cộc cằn với một người tự mãn, nhưng phút sau, lại dịu dàng và khôi hài với một người nhút nhát. Ngài có thể đang cười đùa rả rích với một người bạn cũ trong làng, nhưng ngay sau đó, ngài có thể nhìn thẳng vào mắt viên cảnh sát tham nhũng và nói chuyện một cách nghiêm nghị về sự thanh liêm chíng trực trên đường tu hành. Vài phút sau đó, ngài có thể la rầy một tỳ kheo ăn mặc luộm thuộm, nhưng rồi lại để cái áo ngoài của mình tụt xuống khỏi vai để lộ cái bụng tròn trĩnh của ngài.

     Dầu là trong một bài thuyết giảng chính thức hay trong những buổi họp mặt thông thường,  Ajahn Chah không bao giờ hoạch định trước bất cứ điều gì. Không một chữ nào từ những bài giảng cuả ngài trong cuốn sách này được sắp đặt trước khi ngài bắt đầu nói chuyện. Đây là một nguyên tắc vô cùng quan trọng.  Ajahn Chah cảm thấy rằng công việc của vị thầy là đứng qua một bên và để Giáo Phát tự nó phát khởi phù hợp với nhu cầu tức thời - „Nếu nó không sống trong hiện tại, nó không phải là Chánh Pháp”, ngài nói.

     Có một lần, ngài mời một vị tăng trẻ tên là  Ajahn Sumedho (môn đệ người Tây phương đầu tiên của ngài) lên thuyết giảng trước đám đông tại tu viện chính, Wat Pah Pong. Đây là một khảo nghiệm gay go – không chỉ phải nói chuyện tới vài trăm người đã từng quen với lối thuyết giảng khôn ngoan và tinh xảo của  Ajahn Chah, mà còn phải giảng bằng tiếng Thái, một ngôn ngữ mà anh chỉ mới học ba, bốn năm trước. Anh sợ hãi, lo nghĩ đủ thứ. Anh từng đọc về Sáu Cảnh Giới trong vũ trụ quan của đạo Phật và sự tương quan giữa chúng và những tâm thái khác nhau (sự tức giận và các cảnh giới địa ngục, sự khoái lạc và các cảnh trời, v.v...). Anh quyết định rằng đây là một đề tài hấp dẫn và anh sắp đặt những ý tưởng của mình cho khúc chiết. Vào cái đêm quan trọng đó,  Ajahn Sumedho đã diễn thuyết một cách trôi chảy và được rất nhiều người trong tăng đoàn khen tặng. Anh ta cảm thấy nhẹ nhõm và rất hài lòng với chíng mình. Nhưng vài hôm sau, trong một giây phút im lặng ngắn ngủi, anh bắt gặp áng mắt của Ajahn Chah, và ngài nói nhẹ nhàng, „Đừng bao giờ làm như thế nữa”.

Các đệ tử Tây Phương

     Ngay trước khi vị tăng trẻ người Tây phương  Ajahn Sumedho, đến để xin xuất gia dưới sự dạy dỗ của Ajahn Chah vào năm 1967, Ajahn Chah khởi động việc xây cất một nhà chòi mới trong rừng. Khi những cây gỗ dùng làm cột chòi được dựng lên, một dân làng trong nhóm thi công mới hỏi, „Luang Por à, tại sao xây cái nhà này cao thế? Đâu cần thiết chứ!” Anh ta ngạc nhiên, bởi thường thì những cái cái chòi chỉ được xây cất vừa đủ cho một người ở một cách thoải mái – khoảng 2,5 mét chiều ngang, 3 mét chiều dài và mái nhà cao nhất là 2,1 mét.
''Đừng lo. Không lãng phí đâu”, Ajahn Chah trả lời. ''Không  bao lâu, sẽ có vài vị tăng tới đây. Họ cao hơn chúng ta rất nhiều”.

     Vài năm sau khi Ajahn Sumedho đến Wat Pah Pong, thì tu viện bắt đầu tiếp nhận nhiều người nữa từ phương Tây đến với Ajahn Chah. Và rồi, vào năm 1976, Ajahn Sumedho được một nhóm người tại Luân Đôn mời đến để thiết lập một tu viện ở đây. Năm sau đó, Ajahn Chah ghé thăm tu viện này và để Ajahn Sumedho với một nhóm tăng nhỏ ở lại Hampstead Buddhist Vihar, một căn nhà trên một đường phố đông đúc tại bắc Luân Đôn. Vài năm sau, họ dời đến vùng thôn quê và thiết lập thêm nhiều chi nhánh khác.

     Từ đó, nhiều đệ tử thâm niên của Ajahn Chah được tham gia vào công tác thiết lập những tu viện mới và truyền bá giáo pháp ở nhiều lục địa khác nhau. Nhiều tu viện đã mọc lên tại Pháp, Úc, New Zealand, Thụy sĩ, Ý, Canada, và Hoa Kỳ. Ajahn Chah cũng từng đi tới Âu châu và Bắc Mỹ hai lần, vào năm 1977 và 1979, và hết lòng ủng hộ những chi nhánh mới này. Có lần, ngài nói rằng Phật pháp tại Thái Lan giống như một thân cây từng mạnh khoẻ và sai trái, nhưng bây giờ nó đã già và chỉ có thể sinh ra vài trái nhỏ và chát. Còn Phật pháp ở phương Tây thì ngược lại, nó giống như một cây nhỏ tràn đầy sức sống và triển vọng, nhưng cần được chăm sóc đúng cách để có thể phát triển mạnh mẽ.

     Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào năm 1979, ngài nói, ''Anh quốc là một địa điểm thuận lợi để phát triển Phật pháp ở phương Tây, nhưng nền văn hoá nớ đó cũng đã xưa. Tuy nhiên, Hoa Kỳ, có năng lượng và sự linh động của một quốc gia trẻ trung – mọi thứ ở đây đều mới mẻ – chính nơi đây, Chánh Pháp mới có thể thực sự hưng thịnh”. Khi nói chuyện với một nhóm người Mỹ trẻ tuổi, những người mới thành lập một trung tâm thiền, ngài khuyến cáo, ''Các bạn chỉ có thể thành công trong công cuộc truyền bá Phật Pháp nơi đây nếu các bạn không ngại thách thức những ước muốn và định kiến của các thiền sinh. Nếu bạn làm thế, bạn sẽ thành công; nếu không, nếu bạn thay đổi lối giảng dạy và tu tập cho phù hợp với những thói quen và định kiến của con người vì muốn làm vừa lòng họ, bạn sẽ thất bại trong sứ mệnh phụng sự của mình”.

Tầm quan trọng của chánh kiến và đức hạnh

     Khi được hỏi điều gì là yếu tố quan trọng nhất trong sự giảng dạy của ngài, Ajahn Chah thường trả lời rằng kinh nghiện cho thấy tất cả mọi tiến bộ về tâm linh phụ thuộc vào Chánh Kiến và Đức Hạnh. Nói về Chánh Kiến, Đức Phật có nói, ''Cũng như sự ửng đỏ trên bầu trời cho biết mặt trời sắp mọc, Chánh Kiến là điềm báo trước những trạng thái toàn thiện”. Để thiết lập Chánh Kiến có nghĩa là, trước hết, một người phải có một bản đồ đáng tin cậy về địa hình của tâm và thế giới – đặc biệt là sự hiểu biết về luật nhân quả – thứ hai, nó có nghĩa là một người nhìn thấy mọi kinh nghiệm dưới ánh sáng của Tứ Diệu Đế và vì thế đang chuyển mọi cảm nhận, ý tưởng, và tâm trạng thành nhiên liệu cho sự chứng ngộ. Bốn chân lý đó trở thành những phương hướng trên kim chỉ nam, dựa vào đó chúng ta phát triển sự hiểu biết của mình và từ đó hướng dẫn mọi hành động và ý muốn của chúng ta.

     Ajahn Chah xem đức hạnh như là sự bảo vệ vĩ đại của tâm và khuyến khích mọi người nghiêm trì giới luật nếu họ thành tâm mong cầu một đời sống khôn ngoan và hạnh phúc – bất kể đó là ngũ giới của người tại gia hay Tám, Mười, hay 227 giới của người xuất gia. Hành động và lời nói có đạo đức khiến cho tâm hoà hợp với Chánh pháp và do đó trở thành nền tảng cho sự thiền định, chứng ngộ, và giải thoát.

     Trong nhiều cách khác nhau, đức hạnh là kết quả tất yếu của Chánh Kiến, và chúng liên quan mật thiết với nhau: nếu chúng ta hiểu lý nhân quả và nhìn thấy mối quan hệ giữa sự tham muốn và đau khổ, lẽ dĩ nhiên hành động của chúng ta sẽ hài hoà và kiềm thúc hơn. Cùng thế ấy, nếu hành động và lời nói của chúng ta chân thật, khiêm tốn, thanh nhã và bất bạo động, chúng ta sẽ gây ra nhân hoà bình trong tâm, và chúng ta sẽ dễ nhìn thấy những quy luật điều hành tâm và động thái của nó, và Chánh Kiến sẽ phát triển dễ dàng hơn.

     Một kết qủa đặc thù của mối quan hệ này, điều mà Ajahn Chah đề cập đến trong bài pháp ''Quy Ước và sự giải thoát”, là thực chất trống rỗng của tất cả mọi quy ước (tiền bạc, quy chế tu hành, tục lệ xã hội, v.v...) và cùng lúc là sự cần thiết phải tôn trọng chúng hoàn toàn. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng Ajahn Chah nhìn thấy Trung Đạo như là giải pháp duy nhất cho vấn đề rắc rối này. Nếu chúng ta bám vào những quy ước, chúng ta bị đè nặng và giới hạn bởi chúng, nhưng nếu chúng ta cố chống lại hay phủ nhận chúng, chúng ta cảm thấy bối rối và mâu thuẫn. Ajahn Chah nhìn thấy điều đó, với thái độ đúng đắn, cả hai khía cạnh có thể được tôn trọng, và trong một cách tự nhiên, thoải mái, thay vì cưỡng ép hay thỏa hiệp.

     Với sự hiểu biết sâu sắc, Ajahn Chah có thể vừa rất kỷ cương và nghiêm khắc như một nhà sư Phật giáo, nhưng đồng thời cũng rất thư thái và không bị trói buộc bởi những giới luật mà ngài quy định. Đối với nhiều người đã từng gặp ngài, ngài là người đàn ông hạnh phúc nhất thế gian – một sự thật có vẻ mỉa mai đối với một người không hề biết đến tình yêu nam nữ trong đời, không có tiền, không bao giờ nghe nhạc, và thường phải tiếp khách từ 18 đến 20 tiếng đồng hồ mỗi ngày, ngủ trên một chiếc chiếu mỏng, mắc bệnh tiểu đường và nhiều chứng sốt rét khác nhau, và có lẽ là người duy nhất cảm thấy vui thích khi có người gọi Wat Pah Pong là nơi có ''thức ăn dở nhất thế giới”.

Phương pháp dạy dỗ

     Ajahn Chah dùng vô số phương cách khác nhau để huấn luyện các đệ tử của mình. Ngoài những chỉ thị bằng miệng qua những buổi thuyết giảng, phần lớn tiến trình dạy dỗ xảy ra tại chỗ. Ngài nhận ra rằng, để tâm có thể thật sự học hỏi bất cứ khía cạnh nào của giáo lý và thay đổi, bài học cần được lĩnh hội qua kinh nghiệm, không chỉ trên lý thuyết. Vì thế, Ajahn Chah tận dụng cả 10.000 sự kiện và khía cạnh của đời sống tăng đoàn để dạy dỗ và rèn luyện các đệ tử của mình: các dự án cộng đồng, việc tụng đọc các quy luật, việc giúp đỡ với công việc hàng ngày, những thay đổi thất thường trong thời biểu sinh hoạt – tất cả những thứ này và nhiều hơn nữa đã được các thiền sinh sử dụng như một khán đài để khảo sát sự phát sinh khổ đau và con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau.

     Ajahn Chah khuyến khích thái độ sẵn sàng học hỏi từ mọi thứ, như ngài nói trong bài pháp ''Bản chất của Pháp”. Ngài nhấn mạnh rất nhiều lần rằng chúng ta là thầy của chính mình: nếu chúng ta khôn ngoan, mọi vấn đề cá nhân, mọi sự kiện và khía cạnh của thiên nhiên sẽ dạy dỗ chúng ta; nếu chúng ta ngu dại, dầu Đức Phật có đứng ngay trước mặt mà giải thích mọi thứ cũng chẳng có tác dụng gì. Cách Ajahn Chah  trả lời những câu hỏi của mọi người đã phản ảnh quan điểm này – ngài ứng xử tùy thuộc vào tình huống của một người nhiều hơn là trả lời câu hỏi của họ theo kiểu họ muốn. Thường thì khi người ta hỏi  điều gì, ngài tiếp nhận câu hỏi, rồi nhẹ nhàng mổ xẻ nó ra thành từng mảnh, và trao lại cho người hỏi. Họ sẽ tự mình biết sắp đặt chúng trở lại và họ thật sự ngạc nhiên là ngài đã hướng dẫn họ trả lời cho câu hỏi của chính mình. Khi người ta hỏi làm sao ngài có thể thường xuyên làm được như thế, ngài trả lời: ''Nếu người ta không sẵn đã biết câu trả lời, họ đã chẳng thể đặt câu hỏi”.

     Những thái độ tu học quan trọng khác mà Ajahn Chah khích lệ bao gồm, trước nhất, thiền sinh phải tập nhìn thấy sự cấp bách trong việc hành thiền, và thứ hai, phải sử dụng môi trường tu học để phát triển tính nhẫn nại.

     Khi Đức Phật nói bài pháp đầu tiên của ngài về kỷ luật xuất gia cho 1,250 đệ tử khai ngộ của ngài trong vườn Trúc Lâm, những lời mở đầu của ngài là: ''Sự nhẫn nại là pháp tu tối thượng để giải thoát tâm khỏi những sự bất thiện”. Cho nên khi có người đến gặp  Ajahn Chah, than van về người chồng say sưa hay vụ lúa mất mùa của họ, phản ứng đầu tiên của ngài thường là: ''Bạn có thể nhẫn nại điều đó không?”. Ngài muốn họ nhận ra rằng cách thoát khổ không phải là trốn chạy nó, chìm đắm trong nó, hay cắn răng chịu đựng nó – không phải vậy – nhẫn nại là bình thản giữa khó khăn, thật sự hiểu biết và suy ngẫm về cái kinh nghiệm khổ, hiểu biết nguyên nhân của sự khổ và buông bỏ chúng.

Dạy dỗ người thế tục và dạy dỗ người xuất gia

     Có những lúc sự giảng dạy của  Ajahn Chah áp dụng cho người thế tục lẫn người xuất gia, nhưng có những lúc nó chỉ áp dụng riêng cho người xuất gia hay người thế tục thôi. Người đọc nên lưu ý đến điều này khi đi qua những bài pháp trong sách này, bởi không biết sự khác biệt đó có thể gây nên sự hoang mang. Chẳng hạn, bài pháp ''Tâm Thiện Lành” đặc biệt nhắm vào những người tại gia đến Wat Pah Pong hôm đó để cúng dường, trong khi những bài pháp như ''Cơn Lũ Dục Lạc” chỉ dành riêng cho người xuất gia.

     Sự khác biệt này không phải là vì có những giáo lý ''bí truyền” hay cao thêm hơn về phương diện nào đó, nhưng bởi vì người tại gia và xuất gia có những nhu cầu và lối sống khác nhau, chẳng hạn, người tại gia có những vấn đề mà người xuất gia không có: tìm thời gian để ngồi thiền, lo lắng sinh kế, chung sống với người phối ngẫu. Một đệ tử tại gia trung bình của Ajahn Chah chỉ cần giữ Năm Giới, trong khi người xuất gia phải giữ Tám, Mười, hay 227 giới luật tùy vào trình độ thọ pháp khác nhau.

     Những buổi nói chuyện với người xuất gia thường mạnh mẽ hơn những buổi giảng thuyết tới người tại gia, chẳng hạn, bài ''Pháp Chiến”. Lối nói chuyện ''không nhận tù binh” này là phẩm chất đặc thù của những vị thầy trong phái Thái Forest Tradition (Phái Thiền Trong Rừng của Thái Lan), với mục đích khơi dậy ''dũng khí”, khiến cho thiền sinh sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ và trở nên khôn ngoan, nhẫn nại, kiên định trong bất kỳ tình huống nào.

     Như Ajahn Chah từng nói: ''Tất cả những ai thành khẩn trong việc tu hành nên chuẩn bị tinh thần để chịu đựng rất nhiều chướng ngại và khảo nghiệm. Tâm bị buộc phải đi ngược lại những thói quen cũ, cho nên lẽ tất nhiên nó sẽ vật vã, đấm đá lung tung”.

     Một điều quan trọng nữa là, Ajahn Chah không hề giữ lại một điều gì riêng cho người xuất gia. Nếu ngài cảm thấy một nhóm người nào đó đã sẵn sàng để tiếp nhận những giáo lý cao thâm hơn, ngài sẽ truyền đạt chúng một cách cởi mở và tự nhiên bất kể thính giả là người tại gia hay xuất gia, chẳng hạn như bài ''Cảnh Giới Vô Duyên Khởi” hay bài ''Hãy Tĩnh Lặng Dòng Nước Chảy”, mà trong đó ngài phát biểu: ''Con người thời nay nghiên cứu học hỏi, tìm kiếm điều thiện, ác, nhưng họ chẳng biết gì về cái vượt lên trên sự thiện ác”. Giống như Đức Phật, Ajahn Chah chỉ nói những gì ngài biết là hữu ích đối với người nghe, chứ không dựa vào số lượng giới luật của họ hay tôn giáo của họ.

Tính khôi hài

Tính khôi hài là một phẩm chất đặc biệt trong lối giảng dạy của  Ajahn Chah. Ngài là một người vô cùng bén nhạy và là một kịch sĩ tài ba. Mặc dầu ngài có thể rất dửng dưng và lạnh nhạt, hoặc mẫn cảm và dịu dàng trong cách diễn đạt, nhưng ngài cũng rất khôi hài trong sự giảng dạy của ngài. Phong cách dí dỏm của ngài không chỉ làm cho người nghe vui thích, mà còn giúp ngài truyền đạt những chân lý mà lẽ ra rất khô khan và khó tiếp nhận bởi một người trung bình.

     Tính khôi hài và cặp mắt tinh đời của ngài giúp cho người ta nhận thấy sự vô lý và ngớ ngẩn trong cuộc sống hay trong vấn đề của họ, khiến cho họ có thể cười chính mình và có một cái nhìn hiểu biết hơn. Chẳng hạn, có lần Ajahn Chah đưa cho mọi người xem một bức tranh biếm họa diễn tả cách một nhà sư mang túi xách của mình: vác trên lưng, cột quanh cổ, ghì trong tay, kéo lết trên đất... Hay nó có thể là về một sự phấn đấu cực khổ nào đó. Một bữa nọ, có một tỳ kheo trẻ đến gặp ngài với vẻ chán đời. Anh đã chứng kiến những khổ đau của thế gian và ghê sợ sự sinh tử luân hồi bất tận. Anh nhận xét, ''Con không thể nào cười nổi nữa – đời sống chỉ toàn là đau khổ và phiền não”. Trong vòng 45 phút, qua một câu chuyện sinh động về một con sóc nhỏ học trèo cây – cứ leo lên rồi tụt xuống, nhà sư trẻ ôm bụng cười lăn trên đất, cười đến chảy nước mắt mà vẫn không dừng được.

Những năm cuối cùng

     Trong kỳ kiết hạ năm 1981,  Ajahn Chah ngã bệch nặng. Những năm cuối cùng, sức khỏe của ngài đã yếu hẳn – với chứng chóng mặt và bệnh tiểu đường – và bây giờ là một sự sụp đổ thình lình. Trong vòng vài tháng sau đó, ngài được chữa trị bằng nhiều cách, nhưng tình trạng không thuyên giảm. Sức khỏe ngài tiếp tục suy sụp, cho đến giữa năm sau thì ngài bị tê liệt hoàn toàn ngoại trừ đôi chút cử động ở bàn tay. Ngài không còn nói chuyện được nữa, nhưng vẫn có thể nháy mắt.

     Ngài ở lại trong tình trạng này trong suốt mười năm sau đó, và vài vùng cơ thể còn điều khiển được cũng từ từ yếu dần, cuối cùng thì ngài không còn cử động gì được nữa. Trong thời gian này, ngài vẫn tiếp tục dạy dỗ các đệ tử của mình: không phải ngài đã từng nhắc đi nhắc lại rằng bản chất của thân thể là bệnh hoạn và mục nát hay sao? Đây là một bài học quan trọng – dầu là một vị chân sư vĩ đại, hay ngay cả Đức Phật cũng không thể trốn tránh những quy luật bất di bất dịch của thiên nhiên. Cho nên, công việc của chúng ta là tìm kiếm sự bình an và giải thoát bằng cách không đồng hóa mình với những hình dáng luôn thay đổi này.

     Trong thời gian này, ngoài việc làm một thí dụ điển hình cho sự bất ổn và tạm bợ của đời sống và cho chư tăng cơ hội để chăm sóc cho ngài, đôi lúc  Ajahn Chah vẫn tìm cách dạy dỗ trong những cách khác, dầu với tình trạng vô cùng giới hạn của mình. Các tỳ kheo thay phiên nhau chăm sóc cho những nhu cầu thể chất của ngài 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày.  Trong một ca trực nọ, hai tỳ kheo gây gổ với nhau, quên mất rằng người thứ ba trong phòng có thể hiểu rõ tất cả những gì đang xảy ra.
Nếu Ajahn Chah còn khỏe mạnh, họ sẽ chẳng dám cãi vã như thế trước mặt ngài.
Lời qua tiếng lại càng lúc càng gay gắt, thì có tiếng động phát sinh từ cái giường trong phòng. Thình lình, Ajahn Chah ho thật mạnh và, theo lời kể, văng ra một cục đờm lớn bay ngang phòng xuyên qua khoảng không giữa hai người đang cãi lộn và đập cái bốp vào bức tường ngay bên cạnh họ. Sự dạy dỗ được tiếp nhận đúng lúc, và cuộc cãi vã dứt ngang một cách sượng sùng.

     Trong suốt thời gian Ajahn Chah nằm trên giường bệnh, sinh hoạt của tu viện vẫn tiếp diễn như trước. Vị thầy vẫn còn đó mà không ở đó, nhưng tình huống này đã giúp đỡ một cách kỳ diệu cho chư tăng tập làm những quyết định chung và thích nghi với một lối sống thiếu vắng sự hướng dẫn của vị thầy kính yêu. Thường thì sau khi một vị thầy vĩ đại như thế qua đời, sự tu hành thoái hóa nhanh chóng, học trò bỏ đi dần, và rồi chỉ trong vòng một hai thế hệ, sự giảng dạy của vị thầy cũng biến mất. Thế nhưng, trong suốt khoảng thời gian Ajahn Chah bị bệng cho đến lúc ngài qua đời, số tu viện chi nhánh đã tăng lên hơn cả trăm trên khắp thế giới. Đây là một minh chứng hùng hồn cho sự huấn luyện đệ tử khéo léo của Ajahn Chah.

     Sau khi ngài qua đời, cách đây mười năm, đoàn thể xuất gia của Ajahn Chah đã tổ chức tang lễ theo tinh thần sống và giảng dạy của ngài. Tang lễ, vì thế, không chỉ là một nghi lễ truyền thống, mà còn là một thời gian để lắng nghe và tu hành. Nghi lễ diễn ra trong suốt mười ngày với những thời thiền nhóm và vài khóa thuyết giảng mỗi ngày bởi nhiều vị thầy nổi tiếng trong nước. Có khoảng 6,000 chư tăng, 1,000 ni sư, và trên 10,000 người tại gia cắm trại trong rừng trong suốt thời gian này. Ngoài ra còn có khoảng 1,000,000 quan khách viếng thăm, và 400,000 người, kể cả đức vua, hoàng hậu và thủ tướng của Thái Lan đã đến dự lễ hoả táng.

     Trong mười ngày này, tất cả thức ăn cùng với rất nhiều kinh sách được cung cấp và chuẩn bị bởi nhiều tu viện chi nhánh, và phân phát miễn phí tới khách thập phương; nước uống đóng chai được một công ty địa phương cung cấp; một hãng xe buýt và những chủ nhân xe tải gần đó đã chuyên chở miễn phí hàng ngàn tăng ni mỗi buổi sáng để đi khất thực chung quanh các thôn làng và phố xá trong vùng. Đó thật là một buổi lễ long trọng và xứng đáng để chia tay với một bậc minh triết.

     Nguyện mong những sự giảng dỗ này có thể bồi dưỡng tâm của người tầm Đạo và kiên định tâm những kẻ đã thức tỉnh, thuần khiết và bình an.



Chương 1 - VẤN ĐỀ CỦA TÂM


„Sự tu hành của chúng ta chỉ là để nhìn thấy cái 
Tâm nguyên thuỷ”




     Vấn đề của tâm là – thật sự thì không có gì trục trặc với nó cả. Bản chất của nó là như vậy, nó thuần khiết. Tự nó sẵn đã bình an. Nếu có những lúc tâm không an, đó là bởi vì nó chạy theo cảm xúc. Tâm bẩm sinh không có gì cả. Nó trở nên bình an hay kích động chỉ vì nó bị cảm xúc lừa gạt. Tâm chưa được huấn luyện rất khờ dại. Lục trần cho nó những ảo giác về hạnh phúc và đau khổ, nhưng bản chất của tâm không có những thứ này.   Hạnh phúc hay đau khổ không phải là tâm, mà chỉ là một cảm xúc đang lừa gạt chúng ta. Tâm chưa được huấn luyện dễ bị đáng lạc hướng và chạy theo những thứ này. Nó quên chính nó. Rồi chúng ta nghĩ rằng đó chính là chúng ta đang tức giận hay vui sướng hay gì đó.

     Nhưng thật sự thì tâm của chúng ta đã sẵn tĩnh lặng và bình an! Giống như chiếc lá vẫn đứng im chừng nào nó chưa bị gió thổi. Nếu gió đến, chiếc lá đong đưa. Sự đong đưa là do gió – sự đong đưa của tâm là do lục trần; tâm chạy theo chúng.

     Sự tu hành của chúng ta chỉ là để nhìn thấy cái „Tâm Nguyên Thuỷ”. Chúng ta phải huấn luyện tâm để nhận biết lục trần và không bị chúng đáng lạc hướng, để tâm được bình an. Đây chính là mục đích của tất cả những sự tu hành cam khổ mà chúng ta phải trải qua.



Chương 2. NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN


Khi cả ba pháp, giới, định, huệ đều được phát triển,
chúng ta gọi sự tu hành này là Bát Chánh Đạo,
là con đường duy nhất để thoát khổ.
Bát Chánh Đạo là pháp môn tối thượng bởi vì,
nếu được thực hành đúng đắn,
nó sẽ dẫn đến Niết bàn, đến sự bình an rốt ráo.



Chúng ta tiếp cận với giáo lý nhà Phật qua nhiều nguồn - những vị thầy hay tăng sỹ khác nhau, chẳng hạn. Có những lúc Phật Pháp chỉ được giảng dạy một cách rất đại cương và mơ hồ, khiến cho việc áp dụng nó vào đời sống thực tiễn trở nên khó khăn. Có những lúc Phật Pháp được giải thích bằng một ngôn ngữ cao thâm và trừu tượng khiến cho người ta khó hiểu, nhất là khi nó dựa hoàn toàn vào mặt chữ trên kinh điển.

Có một lối giảng dạy khác, đó là khi Phật Pháp được trình bày một cách trung dung, không quá trừu tượng, không quá cao thâm, không quá đại cương và cũng không quá bí truyền - chỉ vừa đúng để người nghe có thể lĩnh hội và thực hành. Ở đây, tôi muốc chia sẻ một ít giáo lý mà tôi thường dùng để chỉ dạy các đệ tử của tôi.

[Đang chép dở]



Chương 3 - SỐNG TRONG ĐẠO PHÁP


Vua Thái Lan thực hiện xức dầu trong lễ mai táng Thiền sư Ajahn Chah 


Giá trị của Phật Pháp không nằm trong sách vở.
Sách vở chỉ là ngoại binh của Phật Pháp.
Chúng không phải là sự chứng ngộ Phật Pháp
mà một người đạt được qua sự tu hành.



     Nhiều người vẫn không hiểu cốt tủy của sự hành thiền. Họ nghĩ rằng đi kinh hành, ngồi thiền, và nghe pháp là tu hành. Điều đó cũng đúng, nhưng đây chỉ là  hình thức bên ngoài của sự tu hành. Sự tu hành thật xảy ra khi tâm tiếp xúc với các đối tượng của sáu giác quan. Đó là khi chúng ta thật sự tu hành, là khi mà các giác quan tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Khi có ai nói điều gì chúng ta không thích, chúng ta tức giận; nếu họ nói điều gì chúng ta thích, chúng ta cảm thấy khoan khoái. Đây chính là nơi để tu tập. Chúng ta tu tập với những việc này như thế nào? Đây là điều quan trọng. Nếu chúng ta cứ chạy quanh quẩn, đuổi theo hạnh phúc và chạy trốn khổ đau, chúng ta có thể tu hành cho đến ngày chúng ta lìa đời mà vẫn không biết gì về Phật Pháp cả. Khi sự khoái lạc và đau khổ phát sinh, chúng ta phải biết sử dụng Phật Pháp để thoát khỏi chúng. Đây là cốt tủy của sự tu hành.

     Thường thì khi người ta gặp điều gì không hài lòng, họ không tiếp nhận nó. Khi bị chỉ trích, chẳng hạn, họ có thể sẽ đáp trả với câu, ''Đừng làm phiền tôi! Tại sao lại đổ lỗi cho tôi?” Đây là cách ứng xử của một người đóng chặt chính họ lại. Thế nhưng lúc này chính là lúc để tu tập. Khi người ta chỉ trích chúng ta, chúng ta nên lắng nghe. Họ có nói đúng sự thật không? Chúng ta nên cởi mở và xem xét những gì họ nói. Có lẽ có một điều gì đó đáng trách bên trong chúng ta. Họ có thể đúng, nhưng chúng ta đã vội vàng thủ thế. Khi người ta chỉ ra khuyết điểm của chúng ta, chúng ta nên cảm thấy biết ơn và cố gắng cải thiện chính mình. Đây là cách tu hành của kẻ trí.

     Nơi nào có sự rối loạn, Nơi đó sự bình an có thể phát sinh. Khi sự rối loạn được hiểu biết thấu đáo, những gì còn lại là sự bình an. Có người không thể chấp nhận bị phê phán, bởi họ quá kiêu hãnh. Thay vì  vậy, họ cãi lại. Đây là điều thường xảy ra khi người lớn đối phó với trẻ con. Thật ra, đôi lúc trẻ con có thể nói đúng, nhưng nếu bạn là cha mẹ, chẳng hạn, bạn không thể chịu thua chúng. Nếu bạn là thầy giáo, học trò của bạn đôi lúc nói với bạn một điều gì đó mà bạn không biết. Nhưng bởi vì bạn là thầy, nên bạn không thể nghe lời chúng. Đây không phải là Chánh Tư Duy.

     Đức Xá Lợi Phất, một trong các đệ tử của Đức Phật, là một người rất khôn ngoan. Có một lần, khi Đức Phật đang thuyết pháp, ngài quay sang  Xá Lợi Phất và hỏi, '' Xá Lợi Phất, ông có tin điều này không?”  Xá Lợi Phất trả lời, ''Không, tôi vẫn chưa tin được”. Đức Phật khên ngợi ông, ''Hay lắm Xá Lợi Phất, ông là người có trí huệ. Kẻ trí không tin ngay, họ lắng nghe với một đầu óc cởi mở và rồi xem xét chân lý của sự việc trước khi quyết định tiếp nhận hay bác bỏ nó”.

     Ở đây Đức Phật đã nêu một tấm gương tốt cho các vị thầy. Điều mà Xá Lợi Phất nói là sự thật. Ông chỉ trình bày cảm xúc thật sự của mình. Thế nhưng,  có nhiều người khôngdám bày tỏ sự nghi ngờ của họ đối với một điều gì đó vì sợ rằng làm thế là nghi ngờ sự hiểu biết của người thầy. Nhưng Đức Phật không cảm thấy bị xúc phạm. Ngài nói rằng bạn không cần cảm thấy xấu hổ về những việc không xấu hay không có ác ý. Không có gì xấu khi nói rằng mình không tin một điều gì đó, nếu mình thật sự không tin. Hành động của Đức Phật ở đây là một tấm gương tốt cho một người đang dạy dỗ những người khác. Đôi lúc bạn có thể học hỏi ngay cả từ những đứa trẻ. Đừng dính mắc một cách mù quáng vào địa vị hay uy tín của mình.

     Dầu bạn đang đứng, đang ngồi, hay đang đi, bạn đều có thể xem xét những việc xung quanh bạn. Xem xét một cách tự nhiên. Hãy quán xét mọi thứ: cảnh sắc, âm thanh, mùi vị, cảm xúc, hay ý niệm. Kẻ trí quán xét tất cả. Trên đường tu hành, chúng ta sẽ đạt đến một điểm nơi không còn điều gì có thể đè nặng tâm trí chúng ta.

     Nếu chúng ta vẫn chưa nhận biết những cái thích và không thích của chúng ta khi chúng phát sinh, chúng ta sẽ vẫn còn lo âu. Nếu chúng ta biết sự thật về những thứ này, chúng ta sẽ suy ngẫm như vầy, ''Ồ, cái cảm giác ưa thích này chẳng là gì cả. Nó chỉ là một cảm xúc đến rồi đi mà thôi. Cũng thế ấy, sự không thích cũng chỉ là một cảm xúc đến rồi đi. Tại sao chúng ta phải đặt vấn đề với chúng?” Nếu chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc và đau khổ là những tài sản cá nhân, thì chúng ta sẽ bị phiền phức. Và những thứ này cứ nối tiếp nhau trong một chuỗi vô tận. Đây là   những gì xảy ra với phần lớn chúng ta.

     Nhưng thời nay, các vị thầy không thường nói về tâm khi họ thuyết giảng. Họ không nói chân lý. Nhưng con người nên lắng nghe chân lý. Một vị thầy chân chánh không chỉ nói từ trí nhớ, mà nói chân lý. Một tu sĩ chân chánh không nói chuyện như thế. Ông ta nói chân lý – thực chất của sự việc.
Nếu bạn hiểu biết Phật Pháp, bạn nên tu hành y theo đó. Bạn không cần phải trở thành một người xuất gia, mặc dầu đời sống xuất gia là một đời sống lý tưởng, thích hợp nhất cho sự tu hành. Để thật sự tu hành, bạn cần phải buông bỏ sự rối ren của thế gian, buông bỏ gia đình và tài sản, và đi vào rừng. Đó là cách tốt nhất để tu hành. Nhưng nếu chúng ta đã có một gia đình và trách nhiệm, chúng ta làm sao để tu hành? Có người nói rằng người tại gia khó có thể tu hành. Nhưng bạn nghĩ xem, nhóm người nào đông đảo hơn, tại gia hay xuất gia? Có quá nhiều người tại gia hơn là người xuất gia. Rồi bây giờ, nếu chỉ có người xuất gia tu hành thôi, thì sẽ có rất nhiều sự lầm lẫn hay vô minh trong xã hội. Cho nên, xuất gia không phải là một giải pháp! Là một tăng sỹ mà không tu hành sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Nếu bạn thật sự hiểu biết Phật Pháp, thì bất kể bạn đang làm nghề gì hay giữ chức vụ gì trong xã hội, bạn vẫn có thể tu hành trong từng giây phút.

     Cho rằng bạn không thể tu hành khi sống tại gia là không hiểu Đạo. Tại sao người ta có thể tìm được sự khích lệ để làm những việc khác? Nếu họ cảm thấy mình thiếu thốn một điều gì, họ cố gắng đạt cho được điều đó. Con người có thể làm bất cứ điều gì nếu họ có đủ lòng ham muốn. Có người nói, ''Tôi không có thời gian để tu hành”. Tôi nói, ''Bạn có thời giờ để thở không vậy?” Sự tu hành đâu phải là điều làm cho bạn kiệt sức. Bạn chỉ việc quan sát những cảm xúc phát sinh trong đầu. Điều gì xảy ra khi đầu óc tiếp nhận hình sắc, âm thanh, mùi vị v.v... từ các giác quan? Nếu chúng ta thích điều đó, chúng ta cảm thấy khoan khoái, nếu chúng ta không thích điều đó, chúng ta cảm thấy khó chịu. Chỉ vậy thôi.

     Cho nên, bạn đi đâu để tìm kiếm hạnh phúc trong thế giới này? Đâu phải mọi người đều sẽ nói với bạn những điều dễ nghe suốt cuộc đời của bạn? Có chuyện đó không? Nếu không, thì bạn đi đâu bây giờ? Thế giới là như vậy. Chúng ta phải hiểu rõ bản chất của thế giới này. Đức Phật sống trong thế giới này. Ngài đã kinh nghiệm đời sống gia đình, nhưng Ngài nhìn thấy sự giới hạn của nó và buông bỏ nó. Vậy thì các bạn, những người tại gia, làm sao để tu hành? Nếu bạn muốn tu hành, bạn phải đi theo chánh đạo. Nếu bạn kiên trì tu tập, bạn sẽ nhìn thấy sự giới hạn của thế giới này và sẽ có thể buông bỏ.

     Những người nghiện rượu đôi lúc nói, ''Tôi không làm sao bỏ rượu được”. Tại sao họ không thể bỏ rượu? Bởi vì họ chưa nhận thấy cái giá của nó. Nếu bạn không nhìn thấy cái giá của một điều gì đó, bạn không thể nhìn thấy sự lợi ích của việc buông bỏ nó. Sự tu hành của bạn sẽ không có kết quả. Bạn chỉ tu hành cho vui mà thôi. Nhưng nếu bạn thấy rõ hậu quả và lợi ích của một điều gì, bạn sẽ không đợi người khác khuyên bảo bạn. Hãy nghe câu chuyện sau về một thuyền chài vừa tìm thấy một thứ gì đó trong cái bẫy cá của ông. Ông biết có cái gì ở đó. Ông nghe thấy một thứ gì đang nhảy lạch bạch bên trong. Cho rằng đó là một con cá, ông thò tay vào lưới thì mới biết đó là một con vật khác. Ông chưa nhìn thấy nó, nên ông lưỡng lự. Có thể nó là một con lươn, nhưng biết đâu, nó cũng có thể là một con rắn. Nếu ông ném nó đi, ông có lẽ sẽ hối tiếc, bởi nó có thể là một con lươn. Mặt khác, nếu ông nắm lấy nó mà nó là một con rắn, thì ông có thể bị nó cắn. Ông nghi ngờ, nhưng vì quá ham muốn, ông cứ giữ chặt cái bẫy cá. Thế nhưng, khi ông vừa lôi nó ra và nhìn thấy bộ da vằn vện của nó, ông quăng nó ngay lập tức. Ông không cần đợi ai kêu lên, ''Con rắn, thả nó đi!” Nhìn thấy con rắn là ông biết phải làm gì ngay mà không cần đợi ai bảo. Tại sao? Bởi vì ông nhìn thấy sự nguy hiểm – rắn có thể cắn! Cùng thế ấy, nếu chúng ta tu hành cho đến khi chúng ta thấy rõ bản chất của sự việc, chúng ta sẽ không dính dáng với những điều có hại.

     Nhưng người ta ít khi thực hành điều này. Họ không suy nghĩ về sự già cả, bệng hoạn và chết chóc. Cho nên họ không bao giờ cảm thấy muốn tu hành. Họ đi nghe thuyết pháp nhưng họ không thực sự lắng nghe. Đôi lúc tôi được mời đi thuyết giảng cho những đoàn thể quan trọng, nhưng họ chỉ khiến tôi cảm thấy khó chịu. Khi nhìn những người có mặt ở đó, tôi có thể nhận thấy rằng họ không đến để nghe pháp. Có người còn nồng nặc mùi rượu, có người đang hút thuốc, có người thì chuyện gẫu. Họ không giống những người có niềm tin vào Phật Pháp chút nào. Giảng pháp ở những nơi như thế không có ích lợi nhiều. Những người không chú ý lắng nghe sẽ nghĩ, ''Khi nào ông ấy mới ngừng nói đây? 'Không thể làm điều này, Không được làm điều kia...' ” và đầu óc của họ nghĩ ngợi lung tung.

     Có lúc họ còn mời tôi thuyết giảng cho có hình thức, ''Xin ngài cho chúng tôi một bài pháp ngắn”. Họ không muốn tôi nói nhiều – sợ sẽ rầy rà cho họ! Khi tôi vừa nghe có ai nói kiểu này, tôi biết họ đang nghĩ gì. Những người này không thích nghe pháp. Giáo pháp quấy rầy họ. Nếu tôi chỉ nói một bài pháp ngắn, họ sẽ chẳng hiểu gì cả. Nếu bạn chỉ ăn một chút, bạn có no được không?

     Có lúc tôi đang nói chuyện để khơi mào cho một đề tài nào đó, thì một gã say rượu la lên, ''Ê, tránh đường, tránh đường, Đại Đức sắp ra đến rồi!” - hắn muốn đuổi tôi đi! Nếu tôi gặp những loại người này, Tôi phải suy ngẫm rất nhiều, và tôi hiểu rõ thêm về bản chất của con người. Nó giống như một người có một bình nước đầy, mà vẫn xin thêm. Đâu còn chỗ để chứa nữa. Châm thêm nước vào bình đó chỉ khiến nước chảy tràn một cách phí phạm. Dạy dỗ những người như vậy chỉ lãng phí thời gian và sức lực, bởi vì đầu óc họ đã đầy ắp rác rưởi. Tôi không thể cố gắng cho khi không ai cố gắng nhận. Nếu bình nước của họ còn có chỗ trống, người cho và người nhận mới được lợi ích.

     Vào thời nay, việc thuyết pháp thường là như vậy, và ngày càng tệ hại hơn. Người ta không tìm kiếm chân lý. Họ nghiên cứu giáo lý chỉ để tìm thấy những kiến thức cần thiết cho việc sinh nhai, phụng dưỡng gia đình, và chăm sóc cho bản thân họ. Họ không thật sự nghiên cứu Phật Pháp. Tăng sĩ thời nay có nhiều kiến thức hơn những thế hệ trước rất nhiều. Họ có tất cả những thứ họ cần. Họ có đủ thứ tiện nghi. Nhưng họ cũng đau khổ và hoang mang nhiều hơn. Tại sao vậy? Bởi vì họ chỉ tìm tòi những thứ kiến thức mà họ có thể dùng để kiếm sống.

     Ngay cả các tăng sĩ cũng àm thế. Đôi lúc tôi nghe họ nói, ''Tôi đâu phải xuất gia để tu hành! Tôi ở đây là để nghiên cứu Phật Pháp”. Đây là lời của những ngưpời không biết tu hành là gì. Họ đang ở ngõ cụt. Khi những tăng sĩ này giảng dạy, Họ chỉ nói từ trí nhớ. Họ có thể giảng dạy, nhưng tâm của họ thì ở những nơi khác. Sự giảng dạy như thế không phải là Chánh pháp.

     Thế giới là như vậy đó. Nếu bạn muốn sống bình dị, an ổn để tu hành, họ nói bạn là kỳ quặc và lập dị. Họ nói rằng bạn cản trở sự phát triển của xã hội. Họ còn hù dọa, khiến cho bạn sợ hãi. Bạn có thể sẽ tin những gì họ nói và quay lại với lối sống thế gian, để rồi ngày càng chìm đắm cho đến khi bạn không thể vụt lên nổi. Có người nói, ''Tôi không thể thoát ra được. Tôi đã lún qúa sâu rồi”. Xã hội thường là như vậy đó. Ít ai hiểu giá trị của Phật Pháp.

     Giá trị của Phật Pháp không nằm trong sách vở. Sách vở chỉ là ngoại hình của Phật Pháp. Chúng không phải là sự chứng ngộ Phật Pháp mà một người kinh nghiệm đạt được qua sự tu hành. Nếu bạn chứng ngộ, bạn nhận biết tâm của mình. Bạn nhận thấy chân lý ở đó. Khi chân lý trở nên rõ ràng, nó phá tan mọi ảo giác.

     Giáo lý của Đức Phật là một chân lý bất di bất dịch. Đức Phật chứng ngộ chân lý này 2,500 năm trước, và nó vẫn là chân lý cho đến ngày nay. Giáo lý này không thể thêm hay bớt. Đức Phật nói, ''Những gì Như Lai nói ra không được cắt bỏ, và những gì Như Lai không nói thì không được thêm vào”. Ngài niêm phong giáo lý của ngài. Tại sao Đức Phật làm thế? Bởi vì sự giảng dạy này là lời nói của một người không có phiền não. Dầu cho thế giới thay đổi, sự giảng dạy này sẽ không thay đổi. Nếu điều gì đó là sai, nói rằng nó đúng có làm cho nó ít sai hơn không? Nếu điều gì đó là đúng mà người ta nói rằng nó là không đúng, thì điều đó có thay đổi gì không? Nhiều thế hệ đã đi qua, nhưng sự giảng dạy này vễn không thay đổi, bởi vì nó là chân lý.

     Vậy thì ai là người tạo ra chân lý này? Chính chân lý tự nó tạo ra chân lý! Có phải Đức Phật đã sáng tạo ra nó không? Không, không phải ngài. Đức Phật chỉ khám phá ra chân lý, bản chất của sự việc, và rồi ngài công bố nó. Chân lý luôn đúng, dầu Đức Phật có xuất hiện nơi thế gian hay không. Đức Phật chỉ ''thừa nhận” Phật Pháp mà thôi. Phật Pháp luôn có ở đó. Chỉ là trước kia, chưa ai tìm thất nó. Đức Phật là người đã tìm kiếm và tìm thấy cái chân lý bất tử mà chúng ta gọi là Phật Pháp và rồi truyền đạt nó. Ngài không sáng tạo ra nó.

     Tại một thời điểm nào đó chân lý được giảng giải và sự tu hành theo chánh pháp bắt đầu. Theo thời gian, sự tu hành suy đồicho đến khi sự giảng dạy này phai mờ hoàn toàn. Sự hỗn loạn lại thống trị thế gian. Sau một thời gian, chánh pháp lại được khám phá ra và hưng thịnh trở lại. Chân lý lại được thiết lập. Và cứ như vậy – hưng thịnh và suy vong, nhưng chân lý thật sự không đi đâu cả. Khi các vị Phật qua đời, chánh pháp không biến mất theo họ.

     Thế gian xoay vần mãi. Nó giống như một cây xoài. Khi cây lớn lên, nó đơm hoa, kết trái, rồi trái chín. Những trái xoài hư thối rơi xuống và hạt xoài trở lại đất để trở thành một cây xoài mới. Thế gian cũng vậy. Nó chẳng đi đâu xa, mà chỉ xoay vần chung quanh những sự việc cũ.

     Đời sống của chúng ta cũng vậy. Hôm nay chúng ta cũng chỉ làm những việc mà chúng ta đã từng làm. Người ta suy nghĩ quá nhiều. Có quá nhiều việc lôi cuốn sự chú ý của họ, nhưng không thứ gì đi tới đâu cả. Có những môn khoa học như toán học, vật lý học, tâm lý học, v.v... Bạn có thể nghiên cứu bất kỳ môn học nào, nhưng bạn chỉ có thể thấu hiểu nó với sự chứng ngộ chân lý mà thôi.

     Hãy hình dung một cái xe bò. Khi con bò đi, chiếc xe để lại dấu xe phía sau nó. Bánh xe có thể không lớn lắm, nhưng dấu xe có thể sẽ rất dài. Nhìn chiếc xe bò khi nó đứng yên, bạn thấy nó chỉ có bấy nhiêu thôi, nhưng một khi con bò bắt đầu chuyển động, bạn thấy dấu xe kéo dài phía sau bạn. Chừng nào con bò còn bước đi, bánh xe sẽ còn quay, nhưng một ngày nào đó, con bò sẽ mệt mỏi và không thể kéo xe nữa. Khi con bò rời bỏ chiếc xe, bánh xe sẽ không quay nữa. Sau một thời gian, chiếc xe hư hỏng, các bộ phận của nó trở về tứ đại – đất, nước, gió và lửa.

     Khi bạn tìm kiếm sự bình an trong thế gian, bánh xe của chiếc xe bò của bạn quay liên tục và dấu xe kéo dài vô tận phía sau bạn. Chừng nào bạn còn chạy theo thế gian, chiếc xe sẽ không ngừng nghỉ. Nhưng nếu bạn chỉ việc dừng lại, chiếc xe sẽ dừng lại, bánh xe sẽ không quay nữa. Ác nghiệp phát sinh như thế đó. Chừng nào bạn còn đi theo con đường cũ, nghiệp quả sẽ sinh khởi mãi. Nếu bạn dừng lại, nó sẽ ngừng sinh khởi. Đây là sự tu hành của chúng ta. 



Chương 4 - TÂM THIỆN LÀNH

[Đang chép dở]

Komentarze

Popularne posty z tego bloga

Chùa Bửu Long